Ngày 25/09/2020, MISA tổ chức thành công hội thảo “Chuyển đổi số trong công tác Quản lý Ngân sách Nhà nước, Quản lý Giáo dục, Quản lý Cán bộ công chức viên chức (CBCCVC)” với sự tham gia của gần 500 đại biểu trên toàn quốc thông qua ứng dụng Zoom. Hội thảo có sự tham dự của:
- Ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông
- Ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Bà Đào Hải Anh – Giám đốc Trung tâm Tư vấn nghiệp vụ và hỗ trợ đánh giá hiệu quả đầu tư CNTT, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông
- Bà Đinh Thị Thúy – Tổng Giám đốc CTCP MISA
Cùng với sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khái niệm về chuyển đổi số xuất hiện và xu hướng này đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã và đang diễn ra nhanh chóng, sâu rộng trong mọi lĩnh vực.
Tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong công tác Quản lý Ngân sách Nhà nước, Quản lý Giáo dục, Quản lý Cán bộ công chức viên chức”, MISA kỳ vọng đây sẽ là cầu nối chuyển tải các thông tin, giải pháp hữu ích đến các đơn vị hành chính sự nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong chính phủ và ngành giáo dục.
Chính phủ số là toa đầu của đoàn tàu chuyển đổi số
Tại sự kiện, ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chia sẻ các thông tin liên quan đến chương trình chuyển đổi số quốc gia và cụ thể ở mảng Chính phủ số. “Nếu chuyển đổi số quốc gia có ba trụ cột chính là chính phủ số – kinh tế số – xã hội số, thì chính phủ số được xem là đầu tàu của đoàn tàu chuyển đổi số. Vì thế cơ quan nhà nước, chính quyền phải làm gương, là nơi chuyển đổi số trước và dẫn dắt toàn bộ tiến trình chuyển đổi số của xã hội” – Ông Dũng nhấn mạnh.
Ngành giáo dục đang chuyển đổi số mạnh mẽ để hướng tới toàn dân
Chương trình chuyển đổi số quốc gia lấy người dân làm trung tâm, vì vậy, các lĩnh vực liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân sẽ ưu tiên chuyển đổi số, trong đó, phải kể tới giáo dục. Theo đó, Giáo dục là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Nguyễn Sơn Hải cho biết: “Ngành giáo dục tập trung vào 4 lĩnh vực: với dạy và học cần đẩy mạnh các phương thức dạy và học trực tuyến; Đưa công nghệ vào các hoạt động kiểm tra, đánh giá trong trường học, đảm bảo minh bạch, khách quan và chính xác; Triển khai các giải pháp thư viện số để phục vụ việc nghiên cứu, số hóa các tài liệu, sử dụng thư viện số hóa, học liệu số làm sao có hiệu quả; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục thông qua xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ phân tích ngành, hỗ trợ tối đa hiệu quả công tác quản lý, hướng đến ngành giáo dục vận hành trên nền tảng số.”
Tham dự sự kiện, ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Thông tin truyền thông, Bộ Nội vụ đã chia sẻ khá cụ thể về chuyển đổi số trong ngành nội vụ như thế nào. “Phần lớn đơn vị sử dụng phần mềm MISA đều có dữ liệu được đẩy về Bộ Nội vụ, từ đó quá trình trao đổi thông tin diễn ra thông suốt và chính xác” – ông Bình cho biết và khuyến khích các cơ quan, đơn vị có thể tham khảo mô hình mẫu này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
MISA phát huy vai trò doanh nghiệp công nghệ trong thời đại chuyển đổi số
Tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, MISA nhận thấy rõ trách nhiệm và thách thức của mình để có thể góp phần thúc đẩy hành trình trở thành quốc gia số của Việt Nam. Suốt 26 năm qua, MISA luôn tiên phong phát triển các sản phẩm của mình dựa trên các công nghệ số như Big Data, AI, Blockchain, Cloud… để góp phần thúc đẩy quá trình đưa các đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ sở đào tạo, quản lý giáo dục lên môi trường số một cách nhanh chóng hơn.
Tại hội thảo, Tổng Giám đốc Đinh Thị Thúy đã chia sẻ về việc ứng dụng giải pháp chuyển đổi số của MISA như: Nền tảng Quản trị tài chính nhà nước MISA FinGov, nền tảng Quản lý trường học MISA QLTH, nền tảng Quản lý cán bộ MISA QLCB,… giúp thay đổi phương thức vận hành, quản lý tại các đơn vị.
Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm tới chủ đề bằng nhiều câu hỏi xoay quanh việc chuyển đổi số tại đơn vị mình và được các diễn giả chia sẻ thấu đáo.
Hội thảo với nhiều thông tin giá trị giúp các đại biểu hiểu hơn về chuyển đổi số – bằng một khái niệm gần gũi, chân thực và các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể gắn liền với từng đơn vị, từng lĩnh vực cụ thể. Từ bước thay đổi nhận thức này, MISA đã sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ để góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong Chính phủ và ngành Giáo dục Việt Nam